Người VN không hề ủng hộ Nike và H&M trong vụ bông Tân Cương nhưng lại sẵn sàng tuyên bố tẩy chay H&M trong vụ bản đồ lưỡi bò. Điều này là dễ hiểu thôi nhưng bản chất của vụ việc vẫn nằm ở Trung Quốc. Cả bông Tân Cương lẫn đường lưỡi bò đều nằm ở phía TQ.
VN rất ít khi công khai ủng hộ những phong trào vì quyền con người của quốc tế nhưng mỗi khi quyền của người VN bị xâm hại thì chúng ta lại bắt ép tất cả các đối tác của mình phải nhất loạt ủng hộ chúng ta theo những cách khá gượng gạo. Tẩy chay 1 nhãn hàng quốc tế là việc làm không tệ để thể hiện chính kiến nhưng tại sao ta không tẩy chay Huawei hay Xiaomi mà ta lại nhắm mũi dùi vào một nhãn hàng châu Âu vốn là nạn nhân của chính sách thương mại của TQ? Về lâu về dài, ta mất đi những đồng minh mà rõ ràng là khi họ đối đầu với TQ thì người VN làm gì? Chúng ta chỉ đơn giản là không làm gì cả.
Khi Hongkong bị TQ đàn áp, chúng ta không làm gì cả. Khi Miến bị đàn áp dưới sức ảnh hưởng của Bắc Kinh, chúng ta không làm gì cả. Khi LHQ ra tuyên bố chung thì VN và TQ lại cùng hợp sức để ngăn chặn tuyên bố ấy. Khi các hãng sản xuất lớn bày tỏ quan điểm về đàn áp người thiểu số ở Tân Cương thì chúng ta coi đấy là việc của họ với nhau. Khi người da màu bị đàn áp, người VN ở nước ngoài bảo nhau rằng hãy chăm chỉ làm việc và đừng “làm rối tung mọi thứ lên”.
Để rồi đến khi sự đàn áp nhắm vào chúng ta thì ai sẽ đấu tranh cùng người VN? Chẳng có ai cả. Hãy hình dung rằng ngoại giao là trò chơi của quyền lực mềm và việc “làm bạn”. Nếu bạn là một người bình thường mà phải đứng trước lựa chọn hoặc làm bạn với VN hoặc làm bạn với TQ, thông thường những kẻ khôn ngoan họ sẽ đưa ra lựa chọn là không làm bạn với ai cả. Người ta không làm bạn với kẻ thù là lẽ đương nhiên nhưng cũng không có ai mong chờ một người bạn dường như không có bất kỳ chính kiến nào ngoài những vấn đề liên quan đến chính họ ra.
Người VN chỉ rình rập xem có những ai đã ngả theo TQ để tẩy chay họ. Điều này không sai nhưng nó là thiếu khôn ngoan bởi vì sẽ đến lúc mà xung quanh chúng ta không còn lại ai nữa. Nếu để lựa chọn giữa một thị phần 1 tỷ rưỡi dân với sức mua lớn và một thị phần chưa tới 100 triệu dân với sức mua nhỏ, không cần nói cũng biết nhà tư bản chọn chỗ nào, vì đó là cách nền kinh tế vận động. Thứ mà người Vn đối diện, không phải là một nhãn hành quốc tế mà là chính sách thương mại và ngoại giao đàn áp của TQ. Để đối diện với những hoạt động như vậy, người VN cần có đồng minh và trong phần lớn các tình huống, trong thực tế chúng ta đều hất nước vào mặt họ.
Không có ý xúc phạm nhưng cá nhân tôi thấy phải phì cười khi chúng ta phê phán H&M là nhãn hàng “thiếu chính kiến”.
Nguồn: DD